Bệnh viêm amidan ở trẻ nhỏ là những bệnh tưởng chừng như đơn giản nhưng dễ để lại những hệ quả cho trẻ. Ngoài trường hợp amidan to bẩm sinh, tình trạng amidan quá lớn, amidan sưng to liên tục còn cảnh báo mức độ viêm nhiễm nghiêm trọng, cần được khắc phục nhanh chóng nếu không có thể dẫn đến những biến chứng khó tiên lượng. Cùng Top Sức Khỏe tìm hiểu chi tiết về bệnh lý này ngay sau đây.
Vai trò của amidan
Amidan là một trong những tổ chức lympho (tổ chức bạch huyết) ở vùng mũi họng. Bao gồm tổ chức amidan khẩu cái (gọi chung là amidan), amidan đáy lưỡi, amidan ở vùng vòm mũi họng (VA) và amidan vòi. Những tổ chức này khi trẻ mới sinh ra những năm tháng đầu đời thường có tác dụng tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.
Vì sao trẻ em hay bị viêm amidan?
Do amidan là tổ chức miễn dịch của cơ thể nên khi có những tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, amidan sẽ có những phản ứng để chống lại những tác nhân đó. Viêm amidan ở trẻ cũng là một phản ứng của cơ thể đối với việc bị lạnh, nhiễm virus, vi khuẩn…từ đó tạo ra kháng thể giúp cơ thể trẻ hình thành sức đề kháng. Vì trẻ em cũng là đối tượng rất nhạy cảm với thời tiết, nhiệt độ nóng lạnh..v.v..
Nguyên nhân khiến viêm amidan ở trẻ nhỏ quá lớn
Amidan quá lớn (hay còn gọi là chứng phì đại amidan) thể hiện khi mô hạch hạnh nhân to bất thường, có thể dẫn đến khó nuốt và thở. Tình trạng phì đại amidan hoặc amidan quá lớn là một tình trạng rất phổ biến ở trẻ nhỏ có thể là do bẩm sinh, do di truyền (chứng amidan to bẩm sinh) nhưng mặt khác cũng có thể là từ những nguyên nhân sau:
- Do viêm amidan mãn tính: Amidan quá lớn thường là hệ quả của bệnh viêm amidan ở trẻ đã đến giai đoạn mãn tính nhưng không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, để lâu ngày chuyển sang biến chứng sưng tấy amidan gây viêm amidan phì đại.
- Do bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp: Một số bệnh mạn tính về đường hô hấp như: Hen suyễn, viêm xoang, viêm mũi mạn tính…nếu không được điều trị kịp thời cũng có thể gây bệnh.
- Viêm nhiễm ở vùng miệng như sâu răng, viêm lợi…cũng có thể khiến amidan nhiễm khuẩn, sưng tấy, phì đại.
Những lý do khiến trẻ mắc bệnh viêm amidan
- Do tạng bạch huyết quá phát: Một số cá nhân có tổ chức bạch huyết phát triển mạnh nên nhiều hạch ở cổ, họng quá phát làm hệ miễn dịch suy giảm, tạo điều kiện cho virus dễ dàng xâm nhập gây viêm và hình thành amidan phì đại.
- Phản ứng do dị ứng: Amidan quá lớn còn có thể là hệ quả của việc cơ thể phản ứng với môi trường, hóa chất, bị dị ứng. Trong một số trường hợp khói thuốc lá và ô nhiễm không khí có thể làm cho amidan lớn hơn.
- Phẫu thuật amidan chưa thành công: Trong một số trường hợp, việc can thiệp phẫu thuật amidan nhưng không thành công có thể khiến tổ chứng này xung huyết, sưng tấy và to lên..
Nhìn chung, nguyên nhân phổ biến nhất khiến amidan quá lớn là do tái phát bệnh và nhiễm trùng trong và xung quanh khu vực cổ họng. Do amidan sản xuất kháng thể chống lại nhiễm trùng nên khi trẻ bị bệnh, phần lớn thời gian amidan sẽ luôn bị kích thích và phản ứng to hơn bình thường.
Dấu hiệu trẻ bị viêm amidan quá lớn
Amidan ở trẻ quá lớn thường bít tắc đường thở gây ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp. Thường trẻ sẽ có biểu hiện ngủ ngáy, khó thở, có những lúc ngưng thở lúc ngủ. Tình trạng thiếu oxy kéo dài như vậy cũng gây ảnh hưởng lên nhiều cơ quan khác nhau như thần kinh, tim, phổi, phát triển bất thường vùng sọ mặt…
Các dấu hiệu phổ biến của chứng phì đại amidan (amidan quá lớn)
- Hôi miệng, hơi thở của trẻ có mùi khó chịu
- Trẻ thường xuyên thở bằng miệng
- Trẻ ngáy to khi ngủ, thậm chí có lúc ngưng thở khi ngủ.
- Trẻ chán ăn, giảm hứng thú ăn, không có khả năng tăng cân
- Thường xuyên thấy mệt mỏi, suy nhược
- Trẻ bị viêm tai mãn tính (bị giảm thính lực)
- Có dấu hiệu nhiễm trùng xoang tái phát
- Viêm amidan thường xuyên có thể gây nhiều biến chứng như viêm tế bào, áp-xe quanh amidan, áp-xe cạnh họng, nhiễm trùng vùng sau họng, viêm cầu thận, viêm cơ tim, viêm khớp….
Các biện pháp điều trị bệnh viêm amidan ở trẻ
Để chăm sóc con bị viêm amidan, cha mẹ có thể áp dụng tạm các biện pháp khắc phục tại nhà như sau để cho con cảm thấy dễ chịu hơn:
- Cho trẻ hít hơi nước để giảm bớt dịch mũi nhầy và thúc đẩy hệ thống thoát nước nhằm cải thiện hơi thở.
- Kết hợp dùng nước muối ấm để súc miệng và cải thiện sự khó chịu ở vùng cổ họng. Nước muối cũng có tác dụng ngăn chặn nhiễm trùng lây lan.
- Dùng mật ong nguyên chất (có đặc tính kháng khuẩn) và củ nghệ (đặc tính chống viêm) tạo thành hỗn hợp sệt ăn 4 lần/ngày, giúp giảm sưng và ngăn ngừa nhiễm trùng thêm.
- Chứng phì đại amidan thường chỉ đòi hỏi điều trị nếu tình trạng bệnh ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt của trẻ (ăn, ngủ, thở…).. Tuy nhiên, nếu phì đại amidan gây ra bởi nhiễm trùng tiềm ẩn, cha mẹ có thể cho trẻ dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Nếu phì đại amidan từ nguyên nhân dị ứng, dùng bình xịt corticosteroid vào mũi hoặc uống thuốc kháng Histamin có thể là biện pháp khá hữu hiệu để giảm nhẹ các triệu chứng.
- Ngoài ra nếu tình trạng tắc nghẽn, ngưng thở khi ngủ diễn ra theo xu hướng trầm trọng, gia đình có thể cân nhắc cho trẻ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ amidan (cắt amidan). Đây là một thủ thuật đơn giản được thực hiện bằng gây mê toàn thân, trẻ được về nhà trong ngày và hồi phục hoàn toàn trong 7-10 ngày.
Khi nào cần cắt amidan cho trẻ?
Có nhiều phụ huynh cho rằng không thể cắt amidan với những trẻ còn quá nhỏ, mà phải đợi đến khi trẻ lớn, sau 15 tuổi mới có thể cắt amidan. Điều này là không chính xác, bởi amidan có thể cắt ở bất kỳ độ tuổi nào nếu cần thiết.
Các trường hợp cần xem xét việc cắt amidan cho trẻ
- Amidan quá phát gây bít tắc đường thở của trẻ.
- Trẻ có cơn ngừng thở trong khi ngủ.
- Trẻ bị rối loạn giấc ngủ.
- Trẻ có biến chứng lên cơ quan tim, thận, khớp, phổi.
- Trẻ khó ăn, khó nuốt.
- Trẻ bị phát triển bất thường ở vùng sọ mặt.
- Trẻ bị viêm amidan tái phát trên 3 lần/năm,
- Trẻ bị áp xe quanh amidan.
- Hơi thở của trẻ bị hôi kéo dài dù đã được điều trị thích hợp và đã loại trừ hết các nguyên nhân gây hôi miệng khác.
- Trẻ bị viêm amidan nhiều lần kèm theo tình trạng chậm hoặc không tăng cân.
- Trẻ có amidan to một bên và nghi ngờ ung thư.
Chế độ sinh hoạt sau phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật viêm amidan trẻ có thể nói chuyện được ngay, nhưng bố mẹ cần trấn an trẻ để bé không la hét, khạc nhổ nhiều.
Ngày đầu sau cắt amidan: Trẻ nên nằm tại giường, nơi thoáng mát, đủ ánh sáng, có người chăm sóc, nói nhỏ hạn chế la hét, khạc nhổ.
Từ ngày 2 đến ngày 14:
- Đi lại, nói chuyện nhẹ nhàng. Không nên đi đường xa, đường gồ ghề. Không hò hét, chạy nhảy và hoạt động gắng sức dưới trời nắng nóng.
- Vệ sinh cá nhân: Tắm với nước ấm, đánh răng và súc miệng sau mỗi bữa ăn bằng nước mát. Chú ý không cố khạc nhổ khi cảm giác vướng họng tránh làm bong giả mạc (giả mạc là một lớp màng màu trắng phủ hố amidan, có tác dụng giúp bảo vệ và cầm máu, giả mạc sẽ tự bong sau từ 7 đến 10 ngày)
- Không khạc nhổ nước bọt, không nuốt mà đùn nước bọt ra ngoài giấy thấm và quan sát nước bọt xem có máu tươi không, nếu là máu tươi trẻ đang có tình trạng chảy máu sau phẫu thuật cần báo cho bác sĩ điều trị ngay.
Chăm sóc sau phẫu thuật cắt amidan
Sau 14 ngày trẻ có thể trở lại sinh hoạt bình thường và nên tái khám lại để đánh giá tình hình vết mổ.
Amidan là tổ chức lympho nằm trong họng, có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Khi sự tấn công của tác nhân gây bệnh vượt quá khả năng đề kháng của amidan, thì amidan sẽ bị viêm. Viêm amidan thường gặp ở trẻ em do đây là độ tuổi amidan hoạt động mạnh nhất, dễ bị viêm nhất. Tuy rằng amidan có vai trò bảo vệ cơ thể, nhưng khi khả năng đó không còn hoặc amidan gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thì cần phải cắt bỏ.
Để bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, bạn cần theo dõi và đưa trẻ đi thăm khám khi có biểu hiện bất thường.
Nguồn: Vinmec.com