Bệnh viêm xoang là bệnh lý tai mũi họng khá phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Bệnh gây đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và công việc hàng ngày của người bệnh. Cần nắm được các dấu hiệu điển hình của viêm xoang để sớm phát hiện, chẩn đoán chính xác bệnh và có phương án điều trị kịp thời.
Viêm xoang là bệnh gì?
Xoang là các hốc rỗng nằm bên trong khối xương sọ – mặt. Niêm mạc lót xoang là một lớp mô mềm. Lớp niêm mạc này chứa đầy không khí và sạch sẽ. Khi các hốc rỗng này bị bịt kín và chứa nhiều dịch hoặc mủ dẫn đến viêm nhiễm lớp niêm mạc thì được gọi là viêm xoang hoặc viêm mũi xoang
Viêm xoang được phân ra làm 4 loại, dựa theo thời gian mắc bệnh
- Viêm xoang cấp: là hiện tượng viêm xoang có các triệu chứng giống cảm lạnh như: sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, đau nhức vùng mặt… Các triệu chứng này xuất hiện đột ngột và không biến mất sau 10 – 14 ngày, nhưng cũng không diễn ra quá 4 tuần.
- Viêm xoang bán cấp: là viêm xoang có thời gian mắc bệnh kéo dài từ 4 – 8 tuần.
- Viêm xoang mạn tính: là viêm xoang có các triệu chứng tồn tại >8 tuần.
- Viêm xoang tái phát: là viêm xoang tái phát nhiều đợt trong cùng 1 năm.
Viêm xoang cấp tính và mạn tính, nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả thì đều có khả năng gây nên những biến chứng nguy hiểm. Ngày nay, do có nhiều thuốc kháng sinh thế hệ mới nên biến chứng của viêm xoang đã giảm đi đáng kể nhưng chưa phải đã hết, cho nên vẫn phải cẩn thận đề phòng.
Triệu chứng và dấu hiệu?
Thông thường, bệnh viêm xoang xuất hiện sau một đợt cảm cúm kéo dài hoặc viêm mũi dị ứng nặng. Dấu hiệu viêm xoang phổ biến nhất mà nhiều người gặp phải là đau nhức vùng trán hoặc đau nhức khu vực gò má. Đi kèm với đó, người bệnh còn có một vài triệu chứng như:
- Đau đầu
- Ho, đặc biệt ho nhiều hơn vào ban đêm
- Sốt
- Thấy bị đè nặng hoặc đau ở trán hoặc mặt
- Mũi bị nghẹt và chảy nước mũi, có dịch tiết ra màu xanh hoặc vàng xanh
- Rát cổ họng
Các biến chứng nếu để bệnh viêm xoang kéo dài không điều trị
- Viêm đường hô hấp dưới: Giãn phế quản, viêm phế quản…
- Biến chứng ở mắt: Viêm ổ mắt, viêm túi lệ, áp xe mí mắt, viêm tấy ổ mắt…
- Biến chứng ở tai: Viêm tai giữa, tắc vòi tai, viêm tai thanh dịch..
- Các biến chứng khác về nội sọ, mạch máu…
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến viêm xoang như:
- Bị viêm nhiễm, tăng cơ hội nhiễm siêu vi, vi khuẩn, nhiễm nấm. Ví dụ: dị ứng, polyp mũi…
- Người có các khối u trong mũi và trong khu vực xoang dẫn đến tắc nghẽn đường dẫn lưu của xoang
- Do các rối loạn di truyền như xơ nang
Những đối tượng dễ bị bệnh viêm xoang
Các đối tượng có khả năng mắc các bệnh về viêm xoang thường gặp là:
- Người có bất thường về cơ thể học như: vẹo vách ngăn mũi, phì đại cuốn mũi
- Phụ nữ trong thời gian mang thai
- Người làm việc thường xuyên với nhiều trẻ em
- Người hút thuốc lá
Những ai có các tình trạng sau đây thì dễ bị hẹp hoặc tắc mũi, do đó nguy cơ bị viêm xoang sẽ cao hơn người bình thường rất nhiều.
Chẩn đoán bệnh và cách điều trị tình trạng viêm xoang nhẹ
Bác sĩ sẽ khám tai, mũi và họng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể nội soi mũi, chụp CT xoang hoặc chụp MRI nếu nghi ngờ bạn bị viêm xoang do nhiễm nấm hoặc do các khối u nào khác.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm xoang? (Nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, không nên tự điều trị ở nhà)
Điều trị viêm xoang nhẹ bằng thuốc xịt mũi
Để giảm cảm giác khó chịu do bệnh gây ra, bạn có thể dùng thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ trị nghẹt mũi (nên tham khảo ý kiến bác sĩ). Đối với đau đầu nhẹ, bạn có thể dùng thuốc giảm đau thông dụng chứa paracetamol như Panadol hoặc Efferagan.
Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamine hoặc thuốc xịt mũi corticosteroid để giảm sưng. Phương pháp này cũng đặc biệt hữu hiệu trong trường hợp bạn nếu bạn bị polyp mũi. Đối với tình trạng viêm xoang do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành phẫu thuật cho bạn trong các trường hợp viêm xoang thất bại điều trị nội khoa, viêm xoang do nhiễm nấm, vách ngăn mũi bị lệch hoặc tình trạng polyp mũi tái phát.
Phẫu thuật nội soi mũi xoang
Phẫu thuật nội soi mũi xoang là một phương pháp mổ xoang hiện đại, với nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp cũ. Là phẫu thuật xoang qua đường mũi sử dụng dưới sự trợ giúp của ống nội soi.
Mục tiêu của phẫu thuật nội soi mũi xoang là phục hồi sự thông khí và dẫn lưu của phức hợp lỗ thông mũi xoang, giúp cho niêm mạc trong các xoang tự hồi phục về cấu trúc và chức năng.
Ưu điểm của phẫu thuật nội soi mũi xoang
- Phẫu thuật nội soi mũi xoang chỉ thực hiện bên trong mũi, không rạch da bên ngoài. Hình ảnh nội soi được chiếu lên màn hình, bác sĩ phẫu thuật dùng những dụng cụ rất nhỏ dành riêng cho phẫu thuật nội soi.
- Ưu điểm vượt trội trong phẫu thuật khi dùng ống nội soi là gia tăng độ chiếu sáng, sự rõ nét và khả năng quan sát vào các khe, các mốc giải phẫu trong hốc mũi, giúp bác sĩ dễ dàng tiếp cận và đánh giá một cách chính xác các bệnh lý sâu trong hốc mũi.
- Lấy bỏ sạch bệnh tích, đồng thời bảo tồn tối đa niêm mạc lành, kể cả niêm mạc bệnh lý còn có thể hồi phục được, tránh nạo bỏ niêm mạc triệt để như trong phẫu thuật tiệt căn trước đây.
- Giảm được tối đa các biến chứng như gây tổn thương cho mắt hay mô não đưa đến mù hay đột quỵ.
Phẫu thuật cho những người mắc viêm xoang
Tuy phẫu thuật nội soi không thể áp dụng cho tất cả các trường hợp mắc bệnh viêm xoang. Nhưng trong những trường hợp viêm xoang có polyp thì không có một kỹ thuật nào có thể sánh với nó. Phương pháp này đem lại kết quả cao với tỷ lệ biến chứng thấp.
Thời gian phẫu thuật khoảng 15 – 30 phút. Với những ca phức tạp, phải can thiệp nhiều xoang như xoang hàm, sàng, trán, bướm, thời gian phẫu thuật kéo dài khoảng 2 giờ.
Người bệnh sau phẫu thuật nội soi xoang phải nhét miếng xốp để cầm máu (merocel), phần lớn bệnh nhân chỉ cần nằm lại bệnh viện theo dõi thêm một ngày sau mổ.
Thời gian nằm viện ngắn, tuy theo tình trạng sức khỏe mà người bệnh có thể về nhà ngay ngày hôm sau hoặc về trong ngày (Day Care Treatments).
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm xoang?
Những thói quen sinh hoạt dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh viêm xoang:
- Uống nhiều nước để làm loãng chất nhầy, giảm bớt tình trạng đau, ngạt mũi. Bệnh nhân có thể chườm khăn ấm nhiều lần trong ngày, xông mũi 1-2 lần/ngày.
- Luôn đeo khẩu trang khi ra đường hoặc làm việc nơi bụi bặm
- Nghỉ ngơi đầy đủ. Khi nghỉ ngơi, cơ thể sản sinh các bạch cầu để chống lại vi khuẩn và virus. Ngoài ra nghỉ ngơi giúp giảm áp lực xoang, tăng thời gian hồi phục
- Không uống rượu hoặc các chất có cồn.
Quan tâm hơn đến các thói quen ảnh hưởng đến bệnh viêm xoang
- Không hút thuốc lá.
- Sử dụng gạc ấm để lên vùng xoang 4 lần một ngày, trong vòng từ 1 đến 2 giờ.
- Để loại bỏ màng nhầy có thể xịt rửa mũi bằng nước muối nhiều lần trong ngày.
- Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
- Bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, trời mưa, phòng ngừa cảm cúm chuyển thành viêm mũi xoang.
- Không sử dụng các loại thuốc xịt mũi không được chỉ định. Những thuốc này có thể chứa chất không phù hợp với bạn và làm bệnh xấu đi.
- Kê cao đầu vừa phải khi ngủ sẽ hạn chế tình trạng nghẹt mũi.
Viêm xoang do virus là bệnh có thể lây lan, do đó không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh viêm xoang. Khi có các triệu chứng bệnh như chảy nước mũi, đau đầu, hắt hơi…cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn: hoanmycuulong.com